Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Việt Hà (Đoàn Bắc Giang) tham gia góp ý vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết
Chiều ngày 21/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà phát biểu thảo luận tại hội trường

Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản lần này, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà, Giám đốc sở Tư pháp, ĐBQH tỉnh Bắc Giang quan tâm đến hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 9 dự thảo Luật. Đại biểu đề nghị cần làm rõ hơn hành vi cố ý cung cấp thông tin không chính xác hoặc giả mạo hồ sơ tham gia lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, đồng thời nên cân nhắc thêm việc quy định hành vi này là “cố ý” hay chỉ cần quy định hành vi “cung cấp thông tin…” vì để xác định thế nào là hành vi cố ý là khá khó, cần phải có quy định cụ thể thế nào là “cố ý” để tạo cơ sở pháp lý thống nhất trong quá trình thực thi. Vì vậy, đại biểu Hà cho rằng, trong trường hợp này không cần quy định “cố ý”, chỉ cần quy định có hành vi “cung cấp thông tin…”.

Việc bổ sung thêm nội hàm của hành vi này không chỉ cung cấp thông tin không chính xác mà còn cung cấp thông tin không trung thực, không đầy đủ; dẫn chứng từ thực tế, Giám đốc sở Tư Pháp tỉnh Bắc Giang nêu đã có tình trạng tổ chức đấu giá không trung thực, không đầy đủ trong việc kê khai thông tin trong hồ sơ theo hướng có lợi cho tổ chức mình và người có tài sản cũng không và chưa thực hiện hết trách nhiệm trong việc xem xét, xác minh hồ sơ dẫn đến việc lựa chọn tổ chức đấu giá không phù hợp. Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu theo hướng hoặc là bỏ hoặc là nếu tiếp tục quy định thì cần quy định rõ hơn về nội dung cơ bản của tiêu chí “các tiêu chí khác phù hợp với tài sản đấu giá do người có tài sản đấu giá quyết định” để tránh tình trạng tiêu cực, thiếu khách quan, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng trong việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản.

Về lựa chọn tổ chức đấu giá, dự thảo Luật này có sửa đổi, bổ sung một số ít nội dung, đã bãi bỏ tiêu chí “thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá tài sản phù hợp” đồng thời có bổ sung nội dung giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết điều này. Riêng tiêu chí về “Các tiêu chí khác phù hợp với tài sản đấu giá do người có tài sản đấu giá quyết định” thì vẫn giữ nguyên như Luật Đấu giá hiện hành và dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ thứ 6. Hiện nay, theo quy định của Thông tư số 02/2022/TT-BTP về hướng dẫn lựa chọn tổ chức đấu giá cũng chỉ quy định chung chung về tiêu chí như đã được trong Luật hiện hành mà không có quy định cụ thể hơn những tiêu chí khác đó là nhóm nội dung gì để bảo đảm có cơ sở pháp lý chung thống nhất cho người có tài sản khi đưa ra tiêu chí để lựa chọn tổ chức đấu giá.

Trên thực tế thời gian qua cho thấy, mặc dù đây là tiêu chí mà Luật trao cho người có tài sản có quyền quyết định cho phù hợp với tài sản đấu giá, tuy nhiên, thực tiễn thực thi cho thấy đây chính là tiêu chí dễ dẫn đến tiêu cực trong việc lựa chọn tổ chức đấu giá, không bảo đảm công bằng cho các tổ chức đấu giá. Đây là tiêu chí tùy nghi, rất đa dạng, có thể là tiêu chí về tham gia các hoạt động an sinh xã hội, có thể là tiêu chí về số năm hành nghề của đấu giá viên, có thể là số năm thành lập của tổ chức đấu giá, có thể là có tài khoản ngân hàng trên địa bàn có tài sản đấu giá… và người có tài sản tùy thuộc vào từng loại tài sản đưa ra đấu giá; thậm chí có tình trạng để hướng đến việc lựa chọn 1 tổ chức đấu giá tài sản cụ thể nào đó thì người có tài sản sẽ đưa ra tiêu chí thuộc tiêu chí khác này mà chỉ có tổ chức đấu giá đó mới đáp ứng được.

Do đó, đại biểu cho rằng, tại Luật này nên bỏ quy định về tiêu chí khác này; trường hợp nếu tiếp tục quy định thì cần quy định rõ hơn nội dung cơ bản của tiêu chí để tạo khung pháp lý cho quá trình tổ chức thực hiện; trường hợp không được quy định trong Luật này thì Bộ Tư pháp khi ban hành Thông tư quy định chi tiết cần thiết phải quy định về nội dung này để tránh tiêu cực và bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng trong việc lựa chọn tổ chức đấu giá./.

Dương Nhung

 

 

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

 

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 9,839
Tổng số trong ngày: 860
Tổng số trong tuần: 859
Tổng số trong tháng: 26,698
Tổng số trong năm: 205,312
Tổng số truy cập: 637,701