Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh (Đoàn Bắc Giang) đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Đường bộ

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết
Sáng ngày 21/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đường bộ. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên thảo luận.

Dự án Luật Đường bộ trình tại Kỳ họp thứ 7 được Chính phủ tích cực chuẩn bị công phu trong thời gian dài. Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã tổ chức nghiên cứu kỹ lưỡng để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, báo cáo làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, tiếp thu ý kiến của các Đoàn ĐBQH, đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, các cơ quan hữu quan theo quy định. Hồ sơ dự thảo luật đã chuẩn bị đầy đủ, thể hiện rõ quá trình nghiên cứu, tiếp thu một cách nghiêm túc.

Toàn cảnh phiên thảo luận

Trên cơ sở hồ sơ đã gửi, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các đại biểu cho ý kiến về các nội dung trọng tâm như: Phạm vi điều chỉnh, kết cấu hạ tầng đường bộ, đường bộ cao tốc, hoạt động vận tải, quản lý nhà nước về hoạt động đường bộ, cùng các vấn đề khác các đại biểu quan tâm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên thảo luận

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Đường bộ, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy nhất trí với các nội dung dự thảo luật đã được chỉnh sửa, tiếp thu, trình tại kỳ họp lần này. Để góp phần hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung một điều quy định mang tính nguyên tắc tại mục 4, Chương 2 về đầu tư kết cấu hạ tầng đường bộ, cụ thể: Nhà nước có trách nhiệm khuyến khích, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi đối với các trường hợp tổ chức, cá nhân tự nguyện bỏ vốn để đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, bảo trì hạ tầng giao thông đường bộ. Đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thực hiện để đảm bảo tinh thần khuyến khích, tính chủ động, trách nhiệm phục vụ, hỗ trợ và giải trình của Nhà nước khi tiếp nhận các đề xuất của các tổ chức, cá nhân tự bỏ vốn để đầu tư.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh phát biểu ý kiến tại hội trường

Thực tiễn hiện nay, nhu cầu tổ chức, cá nhân có nguyện vọng tự bỏ toàn bộ hoặc một phần kinh phí để đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông để phục vụ lợi ích của mình và đem lại lợi ích cho cộng đồng, lợi ích chung là có và tiềm năng rất lớn. Việc bổ sung quy định này sẽ mở đường khai thác triệt để phương thức hợp tác công tư trong đầu tư, xây dựng, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, thậm chí là quản lý kết cấu hạ tầng giao thông. Hợp tác công tư trong trường hợp này không trùng hợp với các dự án PPP được quy định tại Luật đầu tư theo phương thức công tư năm 2020. Hợp tác công tư dạng này giải quyết được việc đem lại lợi ích cho tổ chức, cá nhân bỏ tiền và lợi ích của cộng đồng, trong khi xã hội lại tiết kiệm được chi phí đầu tư, Nhà nước thì can thiệp tối thiểu, nguồn vốn đầu tư xã hội được phát huy hiệu quả; dễ dàng triển khai được ngay khi không phải thực hiện việc đánh giá hiệu quả đầu tư đối với chủ nguồn vốn đầu tư. Bên cạnh đó, quy định này trong một số trường hợp cũng sẽ hỗ trợ cho việc phân chia trách nhiệm trong đầu tư hạ tầng cho tổ chức, cá nhân được hưởng lợi trực tiếp nhiều nhất; dành nguồn lực của Nhà nước cho cộng đồng, khu vực khó khăn hơn; đồng thời cũng giải quyết được câu chuyện phân bổ địa tô tăng thêm khi hạ tầng thay đổi cho cả xã hội cùng hưởng lợi thay vì chỉ một số ít người được lợi lớn; hướng đến mục tiêu công bằng xã hội.

Thứ 2, đại biểu đề nghị bổ sung một điểm tại khoản 2, Điều 28 dự thảo Luật, đó là: Khuyến khích việc lập dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông gắn với việc thực hiện các dự án tạo quỹ đất sạch 2 bên đường để đấu giá, cân đối nguồn vốn trong cùng 1 dự án.

Đại biểu cho rằng một tuyến đường cần đầu tư mà quy hoạch 2 bên đường hiện có quy hoạch các khu đô thị, khu, cụm công nghiệp (thuộc diện trường hợp Nhà nước thu hồi đất) thì khuyến khích việc lập dự án tổng thể đầu tư xây dựng tuyến đường gắn với dự án tạo quỹ đất sạch để đấu giá, đảm bảo cân đối được nguồn vốn trong cùng dự án. Với cách làm này, chúng ta sẽ không thiếu nguồn lực để làm giao thông, phát huy được hình thức đấu giá đất sạch, tăng công khai, minh bạch, phòng ngừa rủi ro tiêu cực. Quy định cụ thể sẽ giao Chính phủ./.

Tin, ảnh: Thu Hằng

 

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

 

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 9,664
Tổng số trong ngày: 887
Tổng số trong tuần: 886
Tổng số trong tháng: 26,725
Tổng số trong năm: 205,339
Tổng số truy cập: 637,728