Cần thiết phải xây dựng Hệ giá trị văn hoá Việt Nam

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết
Chiều 08.6, tiếp theo chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khoá XV, các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) của Tổ thảo luận số 4 (gồm 04 Đoàn ĐBQH tỉnh: Hải Phòng, Bắc Giang, Kon Tum, Bà Rịa - Vũng Tàu) tiến hành thảo luận về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về phát triển văn hoá giai đoạn 2025-2035; dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Đồng chí Trần Văn Tuấn - Tỉnh uỷ viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang chủ trì phiên thảo luận, cùng tham dự có đồng chí Nguyễn Văn Hùng - Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

Quang cảnh phiên thảo luận Tổ số 4

Đa số các ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội thuộc Tổ 4 đều bày tỏ thống nhất cao với sự cần thiết phải ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035. 

Đại biểu Quốc hội Leo Thị Lịch - Uỷ viên Thường trực Hội đồng Dân tộc (ĐBQH Đoàn Bắc Giang) đề nghị Chính phủ xem xét, chuyển dự án số 06 thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 sang Chương trình MTQG về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 để tránh sự chồng chéo, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện dự án.

Đại biểu Leo Thị Lịch phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết, khi xây dựng chương trình, cũng có ý kiến đại biểu đề nghị nên chuyển giai đoạn như ý kiến đại biểu Leo Thị Lịch nêu. Nhưng ngược lại cũng có ý kiến đại biểu đề nghị không nên chuyển vì danh mục của dự án trước đó đã được phê duyệt. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, việc chuyển hay không chuyển giai đoạn không làm thay đổi mục đích, ý nghĩa, công việc đang triển khai của dự án, chương trình; mà chúng ta phải tuân thủ quyết định của Hội đồng thẩm định quốc gia về Chương trình MTQG về phát triển văn hóa. Đây mới chỉ là dự án tiền khả thi và về cơ bản, các dự án của Chương trình đều được phân cấp mạnh mẽ về các địa phương và do địa phương làm chủ đầu tư.

Tiếp tục đóng góp ý kiến vào chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá giai đoạn 2025-2035, đại biểu Phạm Văn Thịnh - Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh uỷ (ĐBQH Đoàn Bắc Giang) cho rằng các cơ chế chính sách tại Chương trình đã được Chính phủ nêu rất đầy đủ nhất là đã phân cấp rất mạnh mẽ cho chính quyền địa phương, đây là quan điểm rất đúng đắn, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh phát biểu ý kiến

Về phạm vi thực hiện, trong dự thảo Chương trình có quy định là ở các "Trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài". Đại biểu đề nghị sửa thành ở "nước ngoài" nhằm đảm bảo nguồn lực thực hiện đúng với kế hoạch của Chương trình này. Vì khi chúng ta thực hiện việc quảng bá văn hóa thông qua việc đưa các đoàn nghệ thuật ra nước ngoài thường không có Trung tâm văn hoá Việt Nam ở nước ngoài.

Đồng tình với 07 mục tiêu tổng quát và 10 dự án thành phần, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần đề cập đến việc phải xây dựng Hệ giá trị văn hóa Việt Nam. Việc hình thành Hệ giá trị văn hoá nhằm xây dựng hình ảnh đại diện cho con người Việt Nam, điều này không chỉ khiến người dân Việt Nam cảm thấy tự hào mà khi bạn bè quốc tế nói đến Việt Nam sẽ nghĩ ngay đến những giá trị văn hoá đặc trưng đó./.

Thu Hằng

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

 

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 11,526
Tổng số trong ngày: 259
Tổng số trong tuần: 1,262
Tổng số trong tháng: 39,538
Tổng số trong năm: 218,152
Tổng số truy cập: 650,541