Khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết
Đúng 9 giờ 00 phút ngày 20/5/2024, Quốc hội khoá XV đã khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 7 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Phiên khai mạc được Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV1), Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1) và Truyền hình Quốc hội Việt Nam phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đại biểu Quốc hội vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trước giờ khai mạc Kỳ họp, vào 07 giờ 15 phút, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đại biểu Quốc hội dự họp đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Vào 08 giờ 00, Quốc hội tiến hành họp phiên trù bị. Quốc hội nghe Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu; nghe Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự kiến chương trình kỳ họp; sau đó, Quốc hội tiến hành thảo luận và biểu quyết thông qua Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội làm việc trong 26,5 ngày, từ ngày 20/5 đến ngày 28/6/2024; được chia làm 02 đợt: Đợt 1 từ ngày 20/5 đến ngày 08/6/2024 và Đợt 2 từ ngày 17/6 đến sáng ngày 28/6/2024.

Khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV

Kỳ họp này, có khối lượng công việc rất lớn, nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật, 03 dự thảo nghị quyết, bao gồm: (1) Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); (2) Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; (3) Luật Đường bộ; (4) Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; (5) Luật Lưu trữ (sửa đổi); (6) Luật Thủ đô (sửa đổi); (7) Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); (8) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; (9) Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) (theo quy trình tại một kỳ họp); (10) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; đồng thời, xem xét ban hành 03 dự thảo nghị quyết: (1) Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; (2) Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; (3) Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Quốc hội xem xét, cho ý kiến 11 dự án Luật, bao gồm: (1) Luật Công chứng (sửa đổi); (2) Luật Công đoàn (sửa đổi); (3) Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); (4) Luật Địa chất và khoáng sản; (5) Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); (6) Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; (7) Luật Phòng không nhân dân; (8) Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; (9) Luật Tư pháp người chưa thành niên; (10) Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); (11) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Ngoài ra, Quốc hội cũng xem xét về công tác nhân sự bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, phê chuẩn thành viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh và quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, các vấn đề quan trọng khác, đồng thời tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành trong việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XV.

Dương Nhung

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

 

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 11,538
Tổng số trong ngày: 498
Tổng số trong tuần: 497
Tổng số trong tháng: 26,336
Tổng số trong năm: 204,950
Tổng số truy cập: 637,339