Quốc hội thảo luận ở Tổ 03 nội dung trong chương trình Kỳ họp thứ 7

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng ngày 23/5/2024 Quốc hội thảo luận ở Tổ về 3 nội dung trong chương trình kỳ họp gồm: (1) Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; (2) Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023; (3) Kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023.

Tại Tổ thảo luận số 4 dưới sự chủ trì của đại biểu Lê Tiến Châu, UVBCHTƯ Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng, cùng dự phiên thảo luận có các đồng chí: Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TANDTC; Trần Lưu Quang, UVBCHTƯ Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ và các ĐBQH thuộc 4  Đoàn ĐBQH: Hải Phòng, Bắc Giang, Kon Tum, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Quang cảnh phiên thảo luận

Tham gia thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024, các đại biểu trong tổ thảo luận đều thống nhất với các báo cáo do Chính phủ trình; các báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội về các nhận định, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH năm 2023; đại biểu Quốc hội trong Tổ thảo luận cho rằng so với báo cáo tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, một số chỉ tiêu đạt kết quả tích cực hơn như: thu NSNN , xuất siêu, thu hút và giải ngân vốn FDI … Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, đào tạo, dạy nghề tiếp tục được quan tâm. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật được chú trọng, hoàn thành khối lượng công việc rất lớn. Quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều thành tựu.

Thống nhất nhận định việc triển khai kế hoạch phát triển KTXH và NSNN năm 2024 có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; các đại biểu đánh giá cao kết quả điều hành của Chính phủ về kết quả đạt được những tháng đầu năm, GDP Quý I ước tăng 5,66% so với cùng kỳ năm 2023, cao nhất trong Quý I từ năm 2020 đến nay, thu NSNN 4 tháng ước đạt 43,1% dự toán, tăng 10,1% so với cùng kỳ; nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài trong giới hạn cho phép. Xuất nhập khẩu hàng hóa 4 tháng tăng trên 15%; xuất siêu hơn 9 tỷ USD; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được đẩy mạnh và phát huy trên nhiều lĩnh vực, góp phần huy động, quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, vật lực, tài lực, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, diễn biến tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2024 cũng bộc lộ những khó khăn, thách thức trên các mặt như: Tốc độ tăng trưởng GDP QI/2024 dù cải thiện nhưng chưa quay lại quỹ đạo cần thiết, chưa đủ để tạo ra những bước đột phá cho phát triển bền vững; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; thị trường tài chính, tiền tệ còn tiềm ẩn rủi ro, thách thức, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng gia tăng; việc triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 và phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, các dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài còn chậm; thị trường BĐS có tín hiệu phục hồi nhưng còn khó khăn việc đầu tư, triển khai các dự án nhà ở xã hội chậm, tiến độ triển khai gói cho vay nhà ở xã hội 120 nghìn tỷ đồng chưa đáp ứng kỳ vọng đề ra; cải cách thủ tục hành chính còn một số tồn tại gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân….

Đại biểu Leo Thị Lịch phát biểu thảo luận

Phát biểu bổ sung đánh giá tình hình phát triển kinh tế xã hội những tháng đầu năm 2024 đại biểu Leo Thị Lịch (Đoàn Bắc Giang) kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục tổng hợp, đánh giá những vấn đề có tác động, ảnh hưởng đến thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm 2024 như: công tác xây dựng thể chế còn hạn chế;  việc thực hiện một số chỉ tiêu trong lĩnh vực lao động, xã hội và lĩnh vực y tế, dân số; chất lượng cung lao động còn nhiều bất cập chưa đáp ứng cho nhu cầu lao động của nền kinh tế; việc giải quyết 37,8 triệu lao động chưa qua đào tạo; tình trạng người lao động rút BHXH một lần tăng; tình trạng quá tải ở các bệnh viện lớn và thiếu thuốc, vắcxin, trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập…Từ đó đại biểu Leo Thị Lịch đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành các văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; rà soát sửa đổi, bổ sung các điểm còn mâu thuẫn, chồng chéo hoặc có dấu hiệu trái pháp luật; chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có các giải pháp quyết liệt, hiệu quả để khắc phục những tồn tại hạn chế trong lĩnh vực lao động, xã hội và lĩnh vực y tế.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh phát biểu thảo luận

Kiến nghị một số giải pháp trong thực hiện phát triển KTXH năm 2024 đại biểu Phạm Văn Thịnh (Đoàn Bắc Giang) đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ nghành, địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp đã và đang triển khai và bước đầu có hiệu quả như việc bắt buộc xuất hóa đơn điện tử xăng dầu theo từng lần bán tại các cây xăng; tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế nhằm giảm chi phí xã hội.

Tiến Hòa

 

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

 

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 13,574
Tổng số trong ngày: 713
Tổng số trong tuần: 712
Tổng số trong tháng: 26,551
Tổng số trong năm: 205,165
Tổng số truy cập: 637,554