Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) và Luật Tư pháp người chưa thanh niên

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết
Theo chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng 08/6/2024 Quốc hội thảo luận ở Tổ về 2 dự án Luật gồm: (1) Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); (2) Luật Tư pháp người chưa thanh niên.

Quang cảnh phiên thảo luận

Tổ thảo luận số 4 dưới sự chủ trì của đại biểu Lê Tiến Châu - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng (Tổ trưởng tổ thảo luận), cùng dự phiên thảo luận có các đồng chí: Nguyễn Hoà Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TANDTC và các ĐBQH thuộc 4 Đoàn ĐBQH: Hải Phòng, Bắc Giang, Kon Tum, Bà Rịa - Vũng Tàu. Tại phiên thảo luận đã có 09 lượt ý kiến phát biểu, các đại biểu cơ bản nhất trí với các dự thảo luật do Chính phủ trình, báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tuấn phát biểu thảo luận

Phát biểu về dự án Luật Tư pháp người chưa thanh niên, đại biểu Trần Văn Tuấn (Đoàn Bắc Giang) đề nghị bổ sung nguyên tắc khi áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng (XLCH) phải căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội; khả năng giáo dục, phục hồi của người chưa thành niên và sự an toàn của bị hại, của cộng đồng. Việc lựa chọn biện pháp XLCH nào áp dụng đối với người chưa thanh niên (NCTN) phải phù hợp với hoàn cảnh, độ tuổi, đặc điểm tâm sinh lý của NCTN; NCTN phạm tội có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp XLCH; không áp dụng biện pháp XLCH nếu tại thời điểm xem xét mà người phạm tội đã đủ 18 tuổi. Đại biểu nêu, đây là quy định cần thiết và tiến bộ, có thể khắc phục những bất cập của quy định hiện hành. Quy định hiện nay chưa phù hợp với độ tuổi, đặc điểm của NCTN phạm tội. Một số hình phạt chưa có sự phân hóa giữa NCTN và người trưởng thành; mức hình phạt tù áp dụng với người chưa thành niên còn quá nghiêm khắc…Đặc biệt, thủ tục tố tụng đối với NCTN chưa thực sự thân thiện, phù hợp với tâm lý và nhân văn. Đại biểu cũng đánh giá cao nhiều biện pháp XLCH mới được bổ sung như: hạn chế khung giờ sinh hoạt, đi lại; cấm đến một địa điểm nhất định; quản thúc tại gia đình... sẽ ràng buộc cao hơn trách nhiệm của gia đình và huy động sự tham gia của cộng đồng vào quá trình XLCH để thực hiện hiệu quả việc quản lý, giám sát, giáo dục NCTN.

 Người làm công tác xã hội trong hoạt động tư pháp NCTN tại Điều 31 cần đáp ứng đủ 2 điều kiện: (1) am hiểu pháp luật về NCTN; (2) đã được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với NCTN... Do đó, đại biểu đề nghị cần quy định việc cấp chứng chỉ hoạt động đối với người làm công tác xã hội trong hoạt động tư pháp NCTN, đồng thời bổ sung thêm nhiệm vụ “tư vấn, hỗ trợ tâm lý đối với NCTN”.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Việt Hà phát biểu thảo luận

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Đoàn Bắc Giang) cho rằng, trong quá trình xây dựng Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự trước đây, Bộ Tư pháp và Viện KSNDTC đã nhiều lần kiến nghị xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên nhưng chưa được chấp thuận. Nay Quốc hội khóa XV quyết định xây dựng một đạo luật chuyên biệt về tư pháp người chưa thành niên cho thấy sự thay đổi trong cách tiếp cận của Quốc hội về vấn đề này.

Đối với quy định về 12 biện pháp XLCH tại Điều 36, đại biểu đánh giá đây là điểm tiến bộ so với BLHS hiện hành. Quy định này tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cơ quan tố tụng lựa chọn áp dụng phù hợp nhất với đối tượng NCTN, bởi mỗi NCTN đều có hoàn cảnh gia đình, mức độ vi phạm khác nhau. Đại biểu cũng cho rằng cần mở rộng các trường hợp được áp dụng chuyển hướng để phù hợp với việc chuyển biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng thành XLCH. Qua đó, vừa bảo đảm mục tiêu lấy giáo dục, giúp đỡ NCTN phạm tội sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội, vừa bảo đảm mục tiêu an toàn cho cộng đồng. Hạn chế tối đa việc gián đoạn quyền học tập, học nghề nếu được XLCH sớm.

Góp ý về hình phạt áp dụng đối với NCTN từ Điều 107 đến Điều 111, đại biểu cho rằng, dự thảo Luật tiếp tục quy định 04 loại hình phạt (cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn) đối với NCTN trên cơ sở kế thừa Điều 98 của Bộ luật hình sự hiện hành; Mở rộng đối tượng được áp dụng hình phạt cảnh cáo đối với “người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng do vô ý và có tình tiết giảm nhẹ, nhưng chưa đến mức miễn hình phạt” vì phù hợp với chính sách xử lý nhân văn đối với NCTN trong các trường hợp này. Đồng thời đã bổ sung điều kiện áp dụng hình phạt tiền với NCTN phạm tội nếu cha mẹ, người thân thích của người chưa thành niên có tài sản và tự nguyện thực hiện. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cân nhắc mở rộng hình phạt cảnh cáo được áp dụng đối với “Người từ đủ 14 tuổi đến 16 tuổi phạm tội lần đầu, là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể trong vụ án” để bảo đảm xử lý nhân văn với NCTN trong trường hợp này...

Đại biểu Quốc hội Leo Thị Lịch phát biểu thảo luận

Tham gia góp ý vào nội dung đối xử bình đẳng tại Điều 7, đại biểu Leo Thị Lịch (Đoàn Bắc Giang) đề nghị cần bổ sung nguyên tắc đảm bảo bình đẳng giới và cách tiếp cận lấy nạn nhân làm trung tâm. Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của nạn nhân.

Phát biểu tổng kết nội dung thảo luận đồng chí Tổ trưởng Tổ thảo luận đánh giá cao các ý kiến đã phát biểu và giao cho Tổ thư ký tổng hợp đầy đủ các nội dung ý kiến phát biểu gửi Tổng Thư ký Quốc hội để tổng hợp theo quy định./.

Dương Nhung

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

 

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 11,627
Tổng số trong ngày: 425
Tổng số trong tuần: 1,428
Tổng số trong tháng: 39,704
Tổng số trong năm: 218,318
Tổng số truy cập: 650,707