Quy định các trường hợp không được đăng ký tham gia đấu giá phải phù hợp với quy định liên quan và thực tế

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết
Chiều 21/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận

Tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật, đại biểu Trần Văn Tuấn, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang đánh giá cao Ban soạn thảo đã thể hiện tinh thần cầu thị, nghiên cứu, tiếp thu khá đầy đủ các ý kiến tham gia để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản để trình kỳ họp lần này. Đồng thời, đại biểu đề nghị tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Điều 38 (quy định về đăng ký tham gia đấu giá) như sau:

Đại biểu Trần Văn Tuấn đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản

Tại khoản 23, Điều 1 của dự thảo Luật về bổ sung điểm e vào sau điểm đ, khoản 4, Điều 38 quy định những người sau đây không được đăng ký tham gia đấu giá, gồm: “Cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột; công ty mẹ, công ty con, các doanh nghiệp mà cá nhân, tổ chức hoặc nhóm cá nhân, tổ chức có khả năng chi phối hoạt động thông qua sở hữu, thâu tóm cổ phần, phần vốn góp hoặc thông qua việc ra quyết định của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp khi đăng ký tham gia đấu giá trong cùng một tài sản.”.

Việc quy định thêm các đối tượng không được đăng ký tham gia đấu giá gồm: "công ty mẹ, công ty con, các doanh nghiệp mà cá nhân, tổ chức hoặc nhóm cá nhân, tổ chức có khả năng chi phối hoạt động thông qua sở hữu, thâu tóm cổ phần, phần vốn góp hoặc thông qua việc ra quyết định của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp khi đăng ký tham gia đấu giá trong cùng một tài sản” là phù hợp với quy định của Khoản 2 Điều 195 Luật doanh nghiệp 2020, Điều 12 Nghị định 47/2021/NĐ- CP quy định chi tiết một số điều Luật doanh nghiệp 2020; Điều 17a, Nghị định 10/2023/ NĐ- CP hướng dẫn thi hành luật đât đai năm 2013. Qua đó sẽ giúp tránh được tình trạng thông đồng dìm giá, “quân xanh, quân đỏ”, tiêu cực trong hoạt động đấu giá tài sản.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị không nên bổ sung nhóm đối tượng không được đăng ký tham gia đấu giá là cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột", vì quy định này không phù hợp cả về mặt pháp lý và thực tế: Theo quy định tại Điều 32, Hiến pháp năm 2013, Điều 158, Bộ Luật Dân sự 2015, Điều 43, Luật hôn nhân gia đình 2020 thì mọi công dân nói chung và cha, mẹ, vợ, chồng, con cái, anh, chị em ruột nói riêng đều có quyền sở hữu tài sản, tài sản riêng, nhất là trong trường hợp những người này đã ra ở riêng, đã lập gia đình, có thu nhập riêng. Do đó, nếu quy định không cho cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột  đăng ký tham gia đấu giá trong cùng một tài sản là hạn chế quyền sở hữu tài sản của công dân, không phù hợp với Hiến pháp và các quy định pháp luật liên quan, không phù hợp đối với trường hợp Nhà nước đấu giá quyền sử dụng (QSD) đất ở để giao đất cho cá nhân, tổ chức có thu tiền sử dụng đất.

Dẫn chứng từ thực tiễn Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang nêu, trong một cuộc đấu giá QSD đất để giao đất ở có thu tiền sử dụng đất thường bao gồm nhiều lô đất khác nhau. Nếu cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột đều có quyền đăng ký tham gia đấu giá nhiều lô đất khác nhau cùng với nhiều khách hàng khác không có quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhân cũng không ảnh hưởng đến tính khách quan của cuộc đấu giá và không phải là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thông đồng, dìm giá. Thực tế đã có nhiều cuộc đấu giá QSD đất ở có nhiều cặp vợ chồng hoặc cha, mẹ, anh chị em ruột tham gia nhưng vẫn bảo đảm khách quan, không có tình trạng thông đồng, dìm giá. Và, cũng đã có tổ chức đấu giá tự quy định trong Quy chế cuộc đấu giá nội dung không cho cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột cùng đăng ký tham gia một cuộc đấu giá, trả giá cùng một lô đất đã vấp phải sự phản ứng gay gắt của người tham gia đấu giá.

Đồng thời, quy định không cho cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột cùng đăng ký tham gia một cuộc đấu giá, trả giá cùng một lô đất còn gây ra thủ tục hành chính hết sức phức tạp cho tổ chức đấu giá trong quá trình thực hiện thủ tục cho khách hàng đăng ký tham gia đấu giá. Cụ thể như: Muốn kiểm soát những người tham gia đấu giá có mối quan hệ hôn nhân, huyết thống với nhau hay không thì Tổ chức đấu giá tài sản phải yêu cầu họ xuất trình bản sao giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, giấy khai sinh... Trong một cuộc đấu giá có hàng trăm khách hàng tham gia thì thủ tục rà soát các đối tượng này để xem có quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống với nhau hay không là một vấn đề hết sức nan giải, phức tạp và khó thực hiện. Do đó, theo đại biểu Trần Văn Tuấn nếu quy định cấm như dự thảo nêu trên nhưng không kiểm soát được, sẽ dẫn đến sai sót mà sau khi đấu giá xong mới phát hiện người tham gia đấu giá có quan hệ hôn nhân, huyết thống... phải hủy kết quả trúng đấu giá để đấu giá lại. Điều này cũng sẽ tạo ra một hệ lụy rất lớn, gây tốn kém, lãng phí do việc phải tổ chức đấu giá lại, đó là chưa kể đến việc tổ chức đấu giá tài sản phải đối diện với việc có tranh chấp khiếu kiện phức tạp./.

Thu Hằng

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

 

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 10,584
Tổng số trong ngày: 791
Tổng số trong tuần: 790
Tổng số trong tháng: 26,629
Tổng số trong năm: 205,243
Tổng số truy cập: 637,632