Tổng kết thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND: Cần có quy định cụ thể để tăng cường, phát huy hơn nữa vai trò của đại biểu HĐND trong giám sát việc thi hành pháp luật ở địa phương

|
Views:
dark-mode-label OFF
Đọc bài viết
Ngày 07/9/2023, Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị tổng kết thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015, tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thế Toản, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng ban kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh đã phát biểu tham luận về nội dung này. Ban biên tập Cổng thông tin điện tử của Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh đăng toàn văn bài phát biểu này:

Đồng chí Nguyễn Thế Toản phát biểu tại Hội nghị

Theo quy định của luật thì giám sát là việc chủ thể giám sát theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, xử lý theo thẩm quyền hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý. Nhìn lại việc thực hiện Luật hoạt động giám sát ở Bắc Giang, tôi trao đổi hai nội dung.

Một là, về đánh giá việc thực hiện Luật hoạt động giám trên địa bàn tỉnh. Năm 2022, Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh về “giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh và HĐND các huyện thành phố”. Qua đó, chúng tôi đã xem xét tình hình, kết quả thực hiện giám sát chuyên đề của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND tỉnh và HĐND, Thường trực HĐND các huyện, thành phố. Từ thực hiện đề tài khoa học và sự quan sát, thu thập thông tin nhiều chiều, chúng tôi nhận thấy, ở tỉnh ta hầu hết các chủ thể giám sát đã làm khá tốt và đúng quy định của luật; đồng thời, cũng nhận rõ sự nghiêm túc, trách nhiệm của các cơ quan chịu sự giám sát ở cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố. Tôi đánh giá cao UBND tỉnh, các cơ quan quản lý nhà nước trong tỉnh về công tác phối hợp khi HĐND thực hiện quyền giám sát. Đặc biệt, chúng tôi đánh giá rất cao UBND tỉnh về tinh thần cầu thị, lắng nghe, tích cực tiếp thu, kịp thời chỉ đạo khắc phục các hạn chế, khuyết điểm và tổ chức thực hiện các kiến nghị sau giám sát chuyên đề của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND tỉnh. Nhìn lại hoạt động giám sát của HĐND tỉnh thời gian qua, chúng tôi thấy các cơ quan, doanh nghiệp và cử tri rất quan tâm, ghi nhận giám sát của HĐND là hoạt động tích cực đóng góp cho sự phát triển KT-XH của tỉnh. Qua đó khẳng định, giám sát của HĐND là “màng lọc” quan trọng để “gạn đục, khơi trong”, uốn nắn các trì trệ, khuyết điểm trong chấp hành pháp luật, tạo tiền đề để có chính sách, quy định mới phù hợp, hiệu quả hơn, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong quản lý điều hành phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Thực hiện quy định của luật, giúp hoạt động giám sát được thuận lợi, hiệu lực hơn; đẩy mạnh thực hiện nhà nước pháp quyền, tăng cường dân chủ, kiểm soát quyền lực tốt hơn; tạo sự đồng thuận, thống nhất nhận thức và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.  

Hai là, góp ý kiến vào sửa đổi một số nội dung của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.

1. Kiến nghị chung: Các điều khoản trong Luật cần được quy định cụ thể để thực hiện (tránh nêu chung chung như tại Điều 10- hiệu quả giám sát;…). Cần có quy định cụ thể để tăng cường, phát huy hơn nữa vai trò của đại biểu HĐND trong giám sát việc thi hành pháp luật ở địa phương (Điều 86 quy định chưa khả thi). Cần quy định mở hơn về thành phần đoàn giám sát chuyên đề để huy động được người có am hiểu sâu nội dung giám sát làm thành viên đoàn (dù họ không là đại biểu HĐND). Nên quy định, hướng dẫn rõ hơn về việc thuê, mời chuyên gia tư vấn, hoặc mời, thuê kiểm định đánh giá độc lập khi thực hiện giám sát chuyên đề…

2. Kiến nghị sửa một số điều luật cụ thể

Tại điểm c, Khoản 1, Điều 5 quy địnhquy định: Ban của Hội đồng nhân dân… “giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực Ban phụ trách”. Tại Khoản 2, Điều 7: Ủy ban nhân dân có trách nhiệm gửi quyết định mà mình đã ban hành đến Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân cùng cấp có liên quan chậm nhất là 03 ngày kể từ ngày ký văn bản. Thời gian qua nhiều nơi thực hiện chưa đúng. Đề nghị khi sửa Luật thì cần quy định Ban của Hội đồng nhân dân xem xét cả quyết định cá biệt (để phù hợp với nhiệm vụ giám sát thường xuyên…).

- Quy định tại điểm đ, Khoản 4, Điều 59 quy định: Hội đồng nhân dân có thể ra nghị quyết về công tác của cơ quan có báo cáo”. Thực tế thời gian qua nhiều nơi chưa ban hành nghị quyết vì luật ghi “có thể”. Đề nghị cần sửa: “Mỗi kỳ họp thường lệ, HĐND ban hành nghị quyết về công tác của một số cơ quan có báo cáo trình”.

- Khoản 1, Điều 62: Hội đồng nhân dân ra nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề theo đề nghị của Thường trực Hội đồng nhân dân. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân về việc thành lập Đoàn giám sát phải xác định rõ đối tượng, phạm vi, nội dung, kế hoạch giám sát, thành phần Đoàn giám sát và cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát”. Đề nghị sửa “kế hoạch giám sát” thành “thời gian thực hiện giám sát”. Bổ sung vào Khoản 2 điều này (Đoàn giám sát có những nhiệm vụ, quyền hạn): Đoàn ban hành kế hoạch giám sát. Tương tự như vậy đối với giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND quy định tại Điều 70, và giám sát chuyên đề của Ban HĐND Điều 80 cũng sẽ để đoàn giám sát ban hành kế hoạch giám sát.

Về thành phần tham gia đoàn giám sát chuyên đề của HĐND tại Điều 62, của Thường trực HĐND tại Điều 70 (Đoàn giám sát do một Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân hoặc Ủy viên của Thường trực Hội đồng nhân dân làm Trưởng đoàn, các thành viên khác gồm đại diện của Ban của Hội đồng nhân dân và một số đại biểu Hội đồng nhân dân. Đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận có thể được mời tham gia Đoàn giám sát.); của Ban tại Điều 80 (Đoàn giám sát do Trưởng Ban hoặc Phó Trưởng Ban của Hội đồng nhân dân làm Trưởng đoàn, các thành viên khác gồm Ủy viên của Ban của Hội đồng nhân dân và một số đại biểu Hội đồng nhân dân. Đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận có thể được mời tham gia hoạt động Đoàn giám sát.). Đề nghị sửa để người có am hiểu sâu nội dung giám sát là thành viên đoàn, không nhất thiết phải là đại biểu HĐND.

Điều 86 quy định: Giám sát việc thi hành pháp luật ở địa phương: (1). Đại biểu Hội đồng nhân dân thường xuyên theo dõi, xem xét việc thi hành pháp luật tại địa phương. (2). Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tổ chức để đại biểu Hội đồng nhân dân giám sát việc thi hành pháp luật trên địa bàn nơi đại biểu ứng cử. (3). Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: a) Thông báo nội dung, kế hoạch giám sát cho cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát chậm nhất là 07 ngày trước ngày bắt đầu tiến hành hoạt động giám sát; b) Mời đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tham gia giám sát. (4). Khi tiến hành giám sát, đại biểu Hội đồng nhân dân có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: a) Thực hiện đúng nội dung, kế hoạch giám sát; b) Khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp cần thiết để kịp thời chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật và khôi phục lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân bị vi phạm; trường hợp cơ quan, tổ chức không thực hiện hoặc đại biểu Hội đồng nhân dân không đồng ý với việc giải quyết thì đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp xem xét giải quyết; c) Chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày kết thúc hoạt động giám sát, đại biểu Hội đồng nhân dân báo cáo kết quả giám sát với Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp.

Tại Nghị quyết số 594/NQ- UBTVQH15 ngày 12/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn hoạt động giám sát…Điều 22 (doạt động giám sát của đại biểu HĐND) tuy đã rõ quy trình thực hiện (1. Chậm nhất ngày 1/12 hằng năm, đại biểu HĐND dự kiến chương trình giám sát năm sau của mình gửi Tổ trưởng Tổ đại biểu. Tổ trưởng có trách nhiệm tổng hợp, điều hòa chương trình giám sát của đại biểu để không bị trùng lặp về nội dung, đối tượng giám sát…3. Khi xét thấy cần thiết, đại biểu gửi văn bản kiến nghị … để tổ chức giám sát các vụ việc nổi cộm, bức xúc ở địa phương).

Quy định như trên là chưa khả thi, nên thời gian qua nhiều đại biểu chưa thực hiện được hoạt động này. Nội dung này, tới đây cần sửa để việc giám sát thi hành pháp luật ở địa phương được nhiều đại biểu thực hiện có hiệu quả. Đề nghị sửa là: “Tối thiểu ba tháng một lần, Tổ đại biểu họp kiểm lại và trao đổi về tình hình, kết quả thực hiện trách nhiệm giám sát của Tổ đại biểu và từng đại biểu; bàn về vấn đề cần giám sát, phương án tổ chức thực hiện, chủ thể giám sát để thống nhất triển khai, phân công thực hiện…”.

Nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm góp phần hoàn thiện thể chế, đáp ứng yêu cầu của cơ quan quyền lực Nhà nước các cấp, đặc biệt là góp phần thực hiện tốt Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới./.

Nguyễn Thế Toản

Trưởng ban kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh

 

User Online: 18,295
Total visited in day: 600
Total visited in Week: 9,217
Total visited in month: 47,493
Total visited in year: 226,107
Total visited: 658,496