Tránh lạm dụng thực thi biện pháp cảnh vệ liên quan tới quyền con người và quyền công dân

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết
Tiếp theo chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, chiều 03/6/2024 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên thảo luận

Tham gia góp ý vào dự thảo Luật, đại biểu Trần Văn Tuấn, Tỉnh uỷ viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cơ bản nhất trí với sự cần thiết xây dựng, sửa đổi bổ sung Luật, đồng thời cho rằng, dự thảo Luật cũng đã khắc phục để sửa đổi căn bản những hạn chế, bất cập trong thực tiễn thi hành.

Đại biểu Trần Văn Tuấn phát biểu thảo luận tại phiên họp

Có thể thấy, với đặc điểm, tính chất của công tác cảnh vệ, Luật Cảnh vệ năm 2017 và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ có nhiều điều khoản liên quan đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân (đã được quy định tại Hiến pháp năm 2013), nhất là các quy định về biện pháp cảnh vệ, quyền hạn của lực lượng cảnh vệ, ví dụ một số biện pháp, quyền hạn về: Kiểm tra, kiểm soát người, đồ vật và phương tiện ra, vào khu vực; sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; Nổ súng trong một số trường hợp; Huy động người, phương tiện để thực hiện công tác cảnh vệ và các biện pháp khác theo quy định của Luật An ninh quốc gia, Luật Công an nhân dân, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ...vv. Ngoài các biện pháp được quy định trong Luật, theo Tờ trình của Chính phủ thì cách thức, quy trình thực hiện công tác cảnh vệ mang tính nghiệp vụ cao của lực lượng Công an nhân dân và có chứa bí mật nhà nước cần giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết. Các quy định trên là hết sức cần thiết, phù hợp với quy định tại khoản 2, Điều 14, Hiến pháp 2013: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khoẻ của cộng đồng”.

Các đại biểu tại phiên họp

Theo đại biểu trong bất kỳ tình huống nào, hoàn cảnh nào thì việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân phải luôn được đề cao; tránh tuỳ tiện, lạm dụng việc thực thi các biện pháp liên quan đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân nếu không thực sự cần thiết (như tùy tiện, lạm dụng kiểm tra, kiểm soát người, đồ vật và phương tiện; sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, nổ súng; huy động phương tiện…). Đây là yêu cầu có tính nguyên tắc quan trọng được Hiến pháp quy định, cần được thể hiện trong Luật và các văn bản dưới luật. Song qua nghiên cứu. Đại biểu nêu, tại Điều 5 của Luật Cảnh vệ năm 2017 quy định về “Nguyên tắc cảnh vệ” và các điều, khoản liên quan trong Luật hiện hành và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ lại chưa quy định cụ thể, rõ ràng về nội dung này.

Do đó, đại biểu đề nghị cần bổ sung thêm khoản 6 vào Điều 5 quy định nguyên tắc sau: Không tuỳ tiện, lạm dụng thực thi các biện pháp cảnh vệ có thể dẫn đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân. Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ và Bộ Công an tiếp tục có các quy định chi tiết, hướng dẫn cụ thể về nguyên tắc, điều kiện, cách thức, quy trình thực hiện các biện pháp cảnh vệ, để bảo đảm thực hiện trong thực tế./.

Dương Nhung

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

 

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 11,660
Tổng số trong ngày: 517
Tổng số trong tuần: 1,520
Tổng số trong tháng: 39,796
Tổng số trong năm: 218,410
Tổng số truy cập: 650,799