Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Việt Hà (Đoàn Bắc Giang) đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp

|
Views:
dark-mode-label OFF
Đọc bài viết
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 30/5 tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà, Giám đốc sở Tư pháp tỉnh đánh giá cao việc dự thảo Luật đã đưa ra nhiều chính sách mới, đặc thù, có tính đột phá để thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp quốc phòng, an ninh, trong đó có khoảng 37 chính sách đặc thù, vượt trội hơn so với các chế độ, chính sách hiện hành ở các luật có liên quan, bảo đảm xây dựng được nền công nghiệp quốc phòng, an ninh chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên thảo luận

Về Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh (Điều 22). Theo đại biểu việc quy định như dự thảo Luật là hoàn toàn cần thiết. Việc thành lập Quỹ này sẽ tập trung huy động nguồn lực, tạo cơ chế linh hoạt, chủ động cho xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, nhất là thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, chiến lược, rủi ro cao, tạo cơ chế đặc thù triển khai các chương trình, dự án đầu tư có tính cấp bách, nghiên cứu, chế tạo vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt.

Góp ý kiến vào nội dung Chương VI, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát điều chỉnh để bảo đảm quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được phù hợp, thống nhất với luật hiện hành có liên quan.

 

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp

 

Theo đại biểu tại điểm h, khoản 2, Điều 75 dự thảo Luật quy định: “Tuyên truyền, PBGDPL về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp (CNQPAN và ĐVCN)” là một trong những nội dung quản lý nhà nước của Chính phủ, trong khi đó theo quy định tại khoản 8, Điều 76 và khoản 9, Điều 77 thì một trong những nội dung thuộc trách nhiệm của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an là “Tuyên truyền, PBGDPL về CNQPAN và ĐVCN thuộc phạm vi quản lý”. Với trách nhiệm của UBND cấp tỉnh thì khoản 2, Điều 81 quy định “Phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền tuyên truyền, PBGDPL về CNQPAN và ĐVCN. Các điều còn lại trong chương này khi quy định về trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, HĐND cấp tỉnh, Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận đều không quy định về trách nhiệm này.

Theo quan điểm của vị đại biểu Quốc hội Đoàn Bắc Giang thì quy định như dự thảo là chưa đầy đủ, chưa phù hợp, thống nhất với Luật PBGDPL và có thể là vừa thừa vừa thiếu vì trách nhiệm tuyên truyền, PBGDPL khoản 1, Điều 3 Luật PBGDPL hiện hành đã quy định “PBGDPL là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó Nhà nước là nòng cốt”. Trách nhiệm của từng cơ quan nêu trên đã được quy định rõ trong Mục 1, Chương III Luật PBGDPL, theo đó, các cơ quan, tổ chức trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ đều có trách tổ chức PBGDPL cho cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ chiến sỹ trong lực lượng vũ trang, hội viên, đoàn viên thuộc phạm vi quản lý của cơ quan, tổ chức mình. Riêng đối với UBND cấp tỉnh, khoản 2 Điều 6 Luật này còn quy định “UBND các cấp có trách nhiệm thực hiện quản lý NN về PBGDPL tại địa phương”. Trách nhiệm phối hợp trong công tác này, Điều 5 Luật PBGDPL đã có quy định nguyên tắc “Phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức...”, theo đó tất cả các cơ quan, tổ chức đều có trách nhiệm phối hợp chứ không riêng UBND cấp tỉnh.

Từ những quan điểm và phân tích trên, đại biểu đề nghị chỉ cần quy định tại điểm h, khoản 2 Điều 75 “Tuyên truyền, PBGD PL về CNQPAN và ĐVCN” là một trong những nội dung quản lý nhà nước của Chính phủ; khoản 1, Điều 76 và  khoản 1, Điều 77 quy định trách nhiệm của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an là chủ trì, phối hợp các cơ quan tham mưu giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về CNQPAN và ĐVCN, không cần quy định nội dung tại khoản 8, Điều 76 và khoản 9, Điều 77; với trách nhiệm của UBND cấp tỉnh thì điều chỉnh nội dung khoản 2, Điều 81 là “Tuyên truyền, PBGDPL về CNQPAN và ĐVCN là phù hợp.

Xuân Hà

 

User Online: 9,362
Total visited in day: 541
Total visited in Week: 1,544
Total visited in month: 39,820
Total visited in year: 218,434
Total visited: 650,823