Ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên vì lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên

|
Views:
dark-mode-label OFF
Đọc bài viết
Sáng ngày 21/6 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Phát biểu thảo luận đại biểu Đỗ Thị Việt Hà, Giám đốc sở Tư pháp tỉnh (Đoàn Bắc Giang) đồng tình với sự cần thiết ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên (NCTN) như nêu trong Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp.

Toàn cảnh phiên họp

Góp ý kiến về phạm vi điều chỉnh của Luật. Đại biểu tán thành việc cần thiết điều chỉnh trong Luật này cả hình phạt và thủ tục tố tụng hình sự với các lý do được Tòa án nhân dân tối cao trình và nội dung thẩm tra của Ủy ban Tư pháp. Đối với quy định về các biện pháp xử lý chuyển hướng (Điều 36). Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà đánh giá: Dự thảo Luật quy định 12 biện pháp xử lý chuyển hướng, trong đó có 06 biện pháp được áp dụng độc lập; 06 biện pháp không áp dụng độc lập, chỉ được áp dụng đồng thời với biện pháp xử lý chuyển hướng khác. Như vậy, so với Bộ luật Hình sự hiện hành, dự thảo Luật đã mở rộng, đồng thời quy định rõ nội hàm của từng biện pháp xử lý chuyển hướng, bảo đảm logic, chặt chẽ. Trong đó đã bổ sung 7 biện pháp gồm: Tham gia chương trình học tập, dạy nghề; Thực hiện công việc phục vụ cộng đồng; Cấm tiếp xúc; Quản thúc tại gia đình; Tham gia điều trị và tư vấn tâm lý; Hạn chế khung giờ sinh hoạt, đi lại; Cấm đến một địa điểm nhất định. Đồng thời chuyển biện pháp giáo dục tai trường giáo dưỡng thành biện pháp xử lý chuyển hướng nghiêm khắc nhất. Việc mở rộng, đồng thời quy định rõ nội hàm của từng biện pháp xử lý chuyển hướng như trong dự thảo Luật sẽ khắc phục những khó khăn, bất cập đang đặt ra, tạo điều kiện cho các cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều lựa chọn áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng thay thế quy trình tố tụng hình sự, bảo đảm phù hợp với từng đối tượng NCTN.

Tuy nhiên, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát, tham khảo thêm kinh nghiệm quốc tế để bổ sung thêm các biện pháp xử lý chuyển hướng đối với NCTN nhằm phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng NCTN; phù hợp với tính chất, mức độ phạm tội của từng NCTN, trên cơ sở đó, các cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều sự cân nhắc, lựa chọn khi xem xét, áp dụng.

 

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang tại phiên thảo luận

Trao đổi nội dung quy định rút ngắn thời hạn điều tra, truy tố, xét xử vụ án có NCTN phạm tội (Điều 121) và tách vụ án hình sự có NCTN phạm tội (Điều 135). Theo đại biểu Đây là 2 vấn đề có liên quan đến nhau do vậy, cần quy định rút ngắn thời hạn điều tra, truy tố, xét xử vụ án có NCTN phạm tội không quá ½ thời hạn vụ án có người lớn phạm tội, trừ vụ án có tính chất phức tạp, nhằm thực hiện tốt nguyên tắc của Bộ luật tố tụng hình sự là bảo đảm giải quyết nhanh chóng, kịp thời các vụ án liên quan đến NCTN. Đồng thời cần tách vụ án có NCTN phạm tội để giải quyết riêng vì: Phải tách vụ án thì mới thực hiện được quy định rút ngắn thời hạn giải quyết vụ án của NCTN bằng ½ thời hạn vụ án của người lớn. Phải tách vụ án thì mới thực hiện được yêu cầu đặt ra về tiêu chuẩn của Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán khi giải quyết vụ án có NCTN là “phải được đào tạo, bồi dưỡng về tâm lý học và khoa học giáo dục NCTN” như quy định tại Điều 29, nếu gộp vụ án có cả NCTN và người lớn, đồng thời phải bố trí Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán có các tiêu chuẩn như trên là không phù hợp. Mặt khác, qua tham khảo kinh nghiệm, thông lệ quốc tế thì các nước đều tách vụ án có NCTN để giải quyết độc lập.

Đại biểu bày tỏ quan điểm cơ bản nhất trí với dự thảo quy định về hình phạt áp dụng đối với NCTN (các Điều từ 107 đến Điều 111), tuy nhiên đề nghị tiếp tục rà soát kỹ lưỡng nội dung cụ thể trong 04 loại hình phạt để bảo đảm thể chế hóa yêu cầu của Đảng về xử lý nhân văn hơn với NCTN; Cân nhắc mở rộng hình phạt cảnh cáo được áp dụng đối với người từ đủ 14 tuổi đến 16 tuổi phạm tội lần đầu, là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể trong vụ án để bảo đảm xử lý nhân văn với NCTN trong trường hợp này.

 

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà phát biểu thảo luận tại phiên họp

 Góp ý kiến vào nội dung NCTN được giam giữ tại trại giam riêng (Điều 156). Đại biểu nhận định và phân tích: Quy định như dự thảo sẽ bảo đảm phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, sự phát triển của NCTN, đặc biệt là bảo đảm tối đa quyền được học tập của NCTN, hạn chế các tác động tiêu cực của việc giam giữ chung trại giam với phạm nhân là người lớn. Việc triển khai quy định này có thể phát sinh kinh phí đầu tư ban đầu nhưng hiệu quả mang lại cho NCTN lớn hơn. Về lâu dài sẽ tiết kiệm kinh phí hơn so với việc tất cả các Trại giam trên toàn quốc đều phải đầu tư khu giam giữ riêng NCTN, trong khi số lượng NCTN chấp hành án tại các trại giam không lớn, trình độ học vấn khác nhau sẽ khó khăn cho việc bố trí dạy văn hóa, dạy nghề, khó đáp ứng được yêu cầu riêng biệt của NCTN. Do đó, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định thời điểm hiệu lực thi hành đối với nội dung này muộn hơn (có thể 03 năm sau khi Quốc hội thông qua) để chuẩn bị các điều kiện về đất đai, xây dựng trại, bố trí cơ sở vật chất của trại giam.

Xuân Hà

 

User Online: 15,020
Total visited in day: 1,861
Total visited in Week: 10,478
Total visited in month: 48,754
Total visited in year: 227,368
Total visited: 659,757