Cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong thực hiện kiến nghị giám sát và phản biện xã hội của Công đoàn

|
Views:
dark-mode-label OFF
Đọc bài viết
Sáng ngày 18/6 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp.

Phát biểu thảo luận đại biểu Trần Văn Tuấn, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đồng tình với sự cần thiết ban hành Luật Công đoàn (sửa đổi) như nêu trong Tờ trình của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam. Đại biểu nhất trí với việc tách Điều 14 của Luật Công đoàn năm 2012 về quyền, trách nhiệm của Công đoàn trong việc “Tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp” thành 02 điều (là Điều 15 và Điều 16 trong dự thảo Luật) quy định về “Tham gia kiểm tra, thanh tra hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp” và quy định về “Giám sát của Công đoàn”. So sánh với Luật hiện hành thì quyền và trách nhiệm giám sát của Công đoàn đã được tách bạch thành 01 điều riêng (như thể hiện tại Điều 16 của dự thảo Luật) và quy định cụ thể hơn về: Công đoàn thực hiện giám sát hoặc tham gia, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc các cấp và cơ quan nhà nước có thẩm quyền giám sát; Nội dung giám sát; Hình thức giám sát; Quyền của Công đoàn trong hoạt động giám sát. Công đoàn không chỉ “tham gia, phối hợp” mà còn có quyền chủ động thực hiện giám sát; nhằm khẳng định rõ hơn vai trò của Công đoàn trong hoạt động giám sát xã hội. Đại biểu Trần Văn Tuấn cho rằng, quy định trên vừa phù hợp và thống nhất với các quy định của Đảng, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn, vệ sinh lao động, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở... vừa phù hợp với thực tiễn hoạt động công đoàn trong tình hình mới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên thảo luận

Tuy nhiên, đại biểu Tuấn băn khoăn: Ngoài quy định trên, cần có những quy định như thế nào để bảo đảm hoạt động giám sát của Công đoàn đạt hiệu quả một cách thực chất, các kiến nghị sau giám sát của Công đoàn phải được các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện trong thực tế? Dẫn chứng các điểm c, d, đ khoản 4, Điều 16 dự thảo Luật đã có các quy định khi giám sát Công đoàn có một số quyền, trong đó có quyền: “Kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét áp dụng các biện pháp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân; kiến nghị xem xét trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết kiến nghị sau giám sát”. Đồng thời, tại khoản 5 Điều 24 quy định Nhà nước có trách nhiệm “Kịp thời xử lý những kiến nghị của Công đoàn liên quan đến việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động”. Những quy định trên mới chỉ là điều kiện cần, chưa phải là điều kiện đủ để bảo đảm các kiến nghị sau giám sát của Công đoàn được thực hiện trong thực tế, vì bên cạnh việc quy định Công đoàn có các quyền kiến nghị sau giám sát, thì còn thiếu các quy định về đối tượng giám sát, quyền và trách nhiệm của các đối tượng được Công đoàn giám sát, nhất là trách nhiệm thực hiện các kiến nghị sau giám sát của Công đoàn.

Đại biểu Trần Văn Tuấn phát biểu thảo luận tại phiên họp

Từ những phân tích nêu trên, đại biểu đề nghị cần sửa tên Điều 16 của dự thảo Luật về “Giám sát của Công đoàn” thành “Giám sát của Công đoàn đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp” (tương tự như Điều 15 quy định về “Tham gia kiểm tra, thanh tra hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp”), nhằm làm rõ đối tượng được Công đoàn giám sát là các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp. Đồng thời cần nghiên cứu, bổ sung thêm 01 điều quy định về: Quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được Công đoàn giám sát. Trong đó cần quy định rõ: Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được Công đoàn giám sát có trách nhiệm xem xét, giải quyết và trả lời những nội dung kiến nghị sau giám sát của Công đoàn; thực hiện kết luận, quyết định giải quyết của cơ quan có thẩm quyền ban hành liên quan đến những nội dung kiến nghị giám sát của Công đoàn, nội dung này cũng phù hợp, thống nhất với quy định tại Điều 29 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Như vậy thì việc thực hiện quyền và trách nhiệm giám sát của Công đoàn mới khả thi, thực sự hiệu quả.

Góp ý về quy định quyền và trách nhiệm phản biện xã hội của công đoàn (Điều 17 của dự thảo Luật) đại biểu bày tỏ sự đồng tình với việc bổ sung nội dung mới này vào dự thảo Luật. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo cần bổ sung 01 điều quy định về quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức chủ trì dự thảo văn bản được phản biện; trong đó cần quy định rõ: Các cơ quan, tổ chức chủ trì dự thảo văn bản được Công đoàn phản biện có trách nhiệm trả lời, tiếp thu, giải trình các ý kiến phản biện của Công đoàn nhằm bảo đảm tính thực chất, nâng cao hiệu quả phản biện xã hội của Công đoàn.

Xuân Hà

 

User Online: 15,189
Total visited in day: 1,869
Total visited in Week: 10,486
Total visited in month: 48,762
Total visited in year: 227,376
Total visited: 659,765