Quốc hội thảo luận ở Tổ về 01 dự thảo Nghị quyết và 02 dự thảo Luật

|
Views:
dark-mode-label OFF
Đọc bài viết
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 17/6 tại Tổ thảo luận số 4 dưới sự chủ trì của đại biểu Lê Tiến Châu, Uỷ viên BCHTƯ Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng; dự phiên thảo luận gồm các vị ĐBQH thuộc 4 Đoàn ĐBQH: Hải Phòng, Bắc Giang, Kon Tum, Bà Rịa - Vũng Tàu đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi); dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về việc giảm thuế giá trị gia tăng.

Quang cảnh phiên thảo luận Tổ

Tham gia thảo luận vào dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) các đại biểu Quốc hội trong tổ thảo luận đều bày tỏ sự đồng tình với nội dung tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Công chứng năm 2014 nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về hoạt động công chứng; hoàn thiện các quy định của pháp luật về công chứng, khắc phục các hạn chế, vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn; bảo đảm thống nhất, đồng bộ với các luật mới được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới có liên quan đến hoạt động công chứng và tạo điều kiện để phát triển hoạt động công chứng theo định hướng xã hội hóa, ổn định, bền vững, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Góp ý vào vấn đề chung của dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), đại biểu Trần Văn Tuấn, Tỉnh Ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang thống kê trong dự thảo Luật có đến 14 nội dung giao Chính phủ, do vậy đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu để luật hóa tối đa các nội dung đã rõ, đã được thực tiễn kiểm nghiệm và phát huy hiệu quả trên thực tế, tránh việc giao quá nhiều nội dung quy định chi tiết làm giảm tính cụ thể của Luật và làm cho Luật chậm đi vào cuộc sống vì phải chờ văn bản quy định chi tiết. Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, đánh giá đầy đủ tác động của các thủ tục hành chính trong dự thảo Luật, cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, gây khó khăn cho các tổ chức hành nghề công chứng.

Đại biểu Trần Văn Tuấn - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang

Về công chứng bản dịch (sửa đổi khoản 1 Điều 2 của Luật Công chứng hiện hành) đại biểu Trần Văn Tuấn đề nghị giữ quy định về công chứng bản dịch như Luật Công chứng hiện hành và hoàn thiện thêm để khắc phục tồn tại, hạn chế hiện nay theo hướng: dự thảo Luật cần bổ sung nội dung quy định rõ trách nhiệm của người phiên dịch đối với tính chính xác của bản dịch với bản gốc, công chứng viên chịu trách nhiệm về tính xác thực, tính hợp pháp của văn bản dịch có đề nghị công chứng.

Cùng góp ý vào nội dung công chứng bản dịch đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Đoàn Bắc Giang) lại bày tỏ quan điểm đồng tình với dự thảo Luật không quy định việc chứng nhận tính chính xác, hợp pháp của bản dịch thuộc phạm vi hoạt động công chứng như Luật Công chứng hiện hành mà chỉ quy định việc công chứng viên chứng thực chữ ký người dịch theo quy định của pháp luật về chứng thực. Đại biểu tán thành với quy định của dự thảo Luật để khắc phục tồn tại, hạn chế của việc công chứng bản dịch như đã nêu trong Báo cáo đánh giá tác động chính sách, tránh việc trong thực tế nhiều công chứng viên từ chối thực hiện công chứng bản dịch do không đủ trình độ về ngoại ngữ để chứng nhận tính chính xác, hợp pháp của văn bản này, tổ chức hành nghề công chứng cũng không xây dựng được đội ngũ cộng tác viên phiên dịch, gây ra sự “quá tải” về chứng nhận bản dịch tại Phòng Tư pháp một số địa phương khi thay vì đến tổ chức hành nghề công chứng, người dân lựa chọn chứng thực chữ ký người dịch, hạn chế rủi ro và trách nhiệm của công chứng viên đối với việc công chứng bản dịch. Quy định này bảo đảm tính khả thi, phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi có nhu cầu chứng thực bản dịch.

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà - Giám đốc sở Tư pháp tỉnh Bắc Giang

Góp ý vào nội dung công chứng điện tử (từ Điều 59 đến Điều 62 dự thảo Luật), đại biểu Đỗ Thị Việt Hà cho rằng đây là nội dung hoàn toàn mới so với Luật Công chứng hiện hành; dự thảo Luật đã bổ sung 4 điều để quy định một số vấn đề cơ bản về công chứng điện tử nhằm tại cơ sở pháp lý cho chuyển đổi số hoạt động công chứng, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong hoạt động công chứng, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong các giao dịch dân sự, kinh tế; đảm bảo đồng bộ với các quy định mới của Luật Giao dịch điện tử năm 2023. Vị đại biểu Quốc hội Đoàn Bắc Giang cơ bản nhất trí với việc quy định công chứng điện tử trong dự thảo Luật, nhưng chưa đồng tình về thủ tục thực hiện công chứng điện tử, khoản 2 Điều 62 như dự thảo Luật quy định “Thủ tục công chứng điện tử thực hiện theo quy định tại mục 1, mục 2 Chương này”. Về nội dung này, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung quy định riêng về trình tự, thủ tục, hồ sơ công chứng điện tử thay cho việc quy định dẫn chiếu đến trình tự, thủ tục của công chứng truyền thống và ủy quyền cho Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm kiểm soát được việc thực thi lộ trình công chứng điện tử do Chính phủ quy định vẫn phải đáp ứng được các yêu cầu của công chứng nội dung, bảo đảm tính xác thực, hợp pháp của các giao dịch được công chứng, tương xứng với giá trị pháp lý của văn bản công chứng là có giá trị chứng cứ (theo quy định tại khoản 3 Điều 5  dự thảo Luật).

Ngoài những nội dung trên các đại biểu Đoàn ĐBQH Bắc Giang còn góp ý kiến về mô hình tổ chức Văn phòng Công chứng (Điều 20 luật Công chứng hiện hành và khoàn 1 Điều 20 dự thảo Luật); về trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các tổ chức hành nghề công chứng; về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 7); về đào tạo, tập sự hành nghề công chứng, bổ nhiệm công chứng viên (Chương II) và nhiều nội dung trong dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi). Tham gia phát biểu ý kiến vào dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về việc giảm thuế giá trị gia tăng.

Tiến Hòa

 

User Online: 14,388
Total visited in day: 980
Total visited in Week: 9,597
Total visited in month: 47,873
Total visited in year: 226,487
Total visited: 658,876