Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.

|
Views:
dark-mode-label OFF
Đọc bài viết
Chiều nay 20/6 tại Tổ thảo luận số 4 dưới sự chủ trì của đại biểu Lê Tiến Châu- Uỷ viên BCHTƯ Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng, cùng dự phiên thảo luận có đồng chí Trần Lưu Quang- Ủy viên BCHTƯ Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ và các ĐBQH thuộc 4 Đoàn ĐBQH: Hải Phòng, Bắc Giang, Kon Tum, Bà Rịa - Vũng Tàu.

 

Quang cảnh buổi thảo luận

Phát biểu góp ý kiến vào dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản, đại biểu Nguyễn Văn Thi (ĐBQH) Bắc Giang tán thành với sự cần thiết ban hành Luật với những lý do như đã nêu trong tờ trình của Chính phủ; thống nhất với nhận định tài nguyên địa chất, khoáng sản không những là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, mà còn là nguồn dự trữ lâu dài của quốc gia cần phải được quy hoạch, điều tra, thăm dò đầy đủ; quản lý tập trung, thống nhất; khai thác, sử dụng bền vững, tiết kiệm, hiệu quả đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài. Việc ban hành Luật sau hơn 13 năm thi hành Luật Khoáng sản nhằm thể chế hóa quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng; góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động địa chất, khoáng sản, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, phù hợp với các điều ước và cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên; khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của Luật Khoáng sản hiện hành, giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn liên quan đến quy trình, thủ tục khai thác khoáng sản nhằm kịp thời cung cấp vật liệu xây dựng thông thường cho xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, nhất là công trình trọng điểm quốc gia.

Góp ý vào nội dung cụ thể của dự thảo Luật tại Điều 1 “Phạm vi điều chỉnh”  đại biểu Nguyễn Văn Thi đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát, bổ sung nội dung liên quan đến chế biến, sử dụng khoáng sản tại các quy định về chính sách của nhà nước đối với địa chất, khoáng sản (Điều 4); chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng (Điều 11); chế biến khoáng sản (Điều 80, Điều 81) để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ về phạm vi điều chỉnh, thống nhất với quy định về quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản (đã bao gồm chế biến, sử dụng khoáng sản) tại Điều 14 dự thảo Luật, tránh khoảng trống pháp lý ảnh hưởng đến công tác hoạch định, khai thác, chế biến khoáng sản trong thời gian tới.

Đại biểu Nguyễn Văn Thi phát biểu thảo luận.

Đối với quy định tại Điều 7 phân nhóm khoáng sản, đại biểu Nguyễn Văn Thi cơ bản nhất trí với việc phân định thành 04 nhóm khoáng sản, trong đó đã tách khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (khoáng sản nhóm III) với các loại đất sét, đất đồi; đất lẫn đá, cát, cuội, sỏi hoặc đất, sét có tên gọi khác chỉ phù hợp với mục đích làm vật liệu san lấp; đất đá thải mỏ (khoáng sản nhóm IV). Theo đại biểu, việc phân nhóm khoáng sản tạo thuận lợi trong công tác quản lý khoáng sản nhất là trong công tác cấp phép khai thác khoáng sản, làm vật liệu san lấp để cung cấp cho các công trình kết cấu hạ tầng. Tuy nhiên, đại biểu Thi cho rằng trên thực tiễn có 1 số khoáng sản có thể được sử dụng vào các mục đích khác nhau tùy thuộc vào sự đầu tư công nghệ theo từng thời điểm và tùy từng doanh nghiệp ví dụ như đất sét hoặc sét lẫn sỏi nếu đầu tư công nghệ tiên tiến thì có thể sử dụng làm vật liệu xây dựng thông thường (khoáng sản nhóm III). Do vậy, đại biểu Nguyễn Văn Thi đề nghị việc phân nhóm khoáng sản phải bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn, tránh khoảng trống pháp lý dẫn đến sai phạm, thất thoát, lãng phí, nhất là đối với nhóm khoáng sản là vật liệu thông thường (nhóm III), nhóm khoáng sản làm vật liệu san lấp (nhóm IV) để xử lý dứt điểm vướng mắc, bất cập không phù hợp hiện nay trong quản lý, cấp phép khai thác, sử dụng các loại vật liệu này.

Bày tỏ quan điểm về trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản (Điều 15) trong dự thảo Luật quy định "Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh có liên quan tổ chức lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản nhóm I; quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản nhóm II”. Đại biểu Nguyễn Văn Thi tán thành với quan điểm này của Chính phủ và cho rằng việc giao Bộ TN&MT chủ trì lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các quy hoạch khoáng sản là thể chế hoá nội dung thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản nêu tại Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị; bảo đảm đồng bộ trách nhiệm quản lý quy hoạch, cấp phép, kiểm tra, thanh tra trong hoạt động khoáng sản.

Tiến Hòa

 

User Online: 15,459
Total visited in day: 1,851
Total visited in Week: 10,468
Total visited in month: 48,744
Total visited in year: 227,358
Total visited: 659,747