Phát biểu kết luận Hội nghị tổng kết thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 của đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh

|
ページビュー:
dark-mode-label OFF
Đọc bài viết
Ngày 07/9/2023, Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị tổng kết thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015, tại Hội nghị, đồng chí Lâm Thị Hương Thành - Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đã phát biểu kết luận Hội nghị. Ban biên tập Cổng thông tin điện tử của Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh đăng toàn văn bài phát biểu kết luận trên.

Đồng chí Lâm Thị Hương Thành - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh phát biểu kết luận Hội nghị

Kính thưa toàn thể các vị đại biểu tham dự Hội nghị!

Thực hiện sự chỉ đạo của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội về việc Tổng kết Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HÐND năm 2015 (gọi tắt là Luật Hoạt động giám sát), ngày 07/8/2023, Thường trực HÐND tỉnh ban hành Kế hoạch số 625/KH- HĐND Tổng kết thi hành Luật hoạt động giám sát và ngày 22/8/2023, Thường trực HÐND tỉnh ban hành Kế hoạch số 676/KH -HĐND Tổ chức Hội nghị Tổng kết cấp tỉnh. Sau một thời gian ngắn chuẩn bị, hôm nay, Thường trực HÐND tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết 07 năm thực hiện Luật trên địa bàn tỉnh. Đây là dịp để Chính quyền, các cấp, các ngành cùng nhìn nhận, đánh giá lại quá trình triển khai thực hiện; những thuận lợi, khó khăn, bất cập, vướng mắc trên cơ sở đó đề xuất, kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đề nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Chính vì lý do đó, Thường trực HÐND tỉnh xác định đây là Hội nghị rất quan trọng và quyết định tổ chức Hội nghị chứ không chỉ tổng hợp gửi báo cáo.

Về công tác chuẩn bị: Thường trực HÐND tỉnh đã tổng hợp, xây dựng báo cáo khá chi tiết, tuy nhiên chúng tôi vẫn để bản dự thảo vì để qua Hội nghị này những ý kiến đóng góp của các vị đại biểu sẽ tiếp tục được tổng hợp để hoàn chỉnh trước khi gửi về Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trên cơ sở dự thảo báo cáo tổng kết,….ý kiến tham gia thảo luận của các đại biểu tại hội nghị hôm nay, thay mặt Thường trực HÐND tỉnh tôi xin tổng hợp, đánh giá khái quát trên một số nội dung sau:

Thứ nhất, về những kết quả đạt được

Phải khẳng định Luật hoạt động giám sát năm 2015 ra đời cùng với Luật TCCQÐP đã tạo hành lang pháp lý rất cơ bản để hoạt động của HÐND nói chung, hoạt động giám sát nói riêng được triển khai thực hiện một cách đồng bộ, thống nhất. Với 5 chương, 91 điều đã quy định rất cụ thể, rõ ràng hoạt động giám sát của QH, UBTVQH, các hội đồng và Ủy ban của QH; HÐND, Thường trực HÐND, các Ban của HĐND, tổ đại biểu và đại biểu HÐND; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát, cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động giám sát. Luật được ban hành đã giúp cho việc nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, bảo đảm sự thống nhất, khoa học trong xác định đối tượng, phạm vi, thẩm quyền, trình tự giám sát của từng chủ thể giám sát; bảo đảm quyền, trách nhiệm của chủ thể giám sát và đối tượng chịu sự giám sát; phát huy vai trò của giám sát, góp phần nâng cao, chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. So với trước đây, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2003 Quốc hội khóa 11 thì Luật hiện hành đã bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về hiệu quả hoạt động giám sát, đó là "giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân là hoạt động giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước". Quy định này nhằm làm rõ tính chất giám sát của Hội đồng nhân dân; làm rõ mối liên hệ giữa hoạt động giám sát Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân trong việc bảo đảm hiệu quả của hoạt động giám sát.

- Với Bắc Giang: Nhiệm kỳ 2016- 2021 là nhiệm kỳ đầu tiên triển khai thực hiện Luật, nhưng đã cho thấy sự vào cuộc rất chủ động, tích cực; bám sát các quy định của Luật để thực hiện có hiệu quả hoạt động Giám sát (những con số rất cụ thể mà không phải tỉnh nào cũng đã làm được- thể hiện trong tổng kết hoạt động nhiệm kỳ được tổ chức đầu năm 2021 và trong báo cáo hôm nay). Đặc biệt bước sang nhiệm kỳ 2021-2026, nhiệm kỳ thứ 2 thực hiện Luật thì những vấn đề này được thể hiện rõ nét hơn: Tính chất, phạm vi, phương pháp, cách làm được thực hiện bài bản hơn và hiệu quả rõ hơn. Thể hiện nổi bật trên một số nội dung:

Từ công tác chỉ đạo: Sau khi Luật giám sát được ban hành và có hiệu lực, trên cơ sở các nội dung quy định, gắn với việc thực hiện Luật TCCQĐP, Thường trực HÐND các cấp trong tỉnh đã tổ chức quán triệt, tuyên truyên nghiêm túc, đầy đủ nội dung Luật và các văn bản liên quan khác đến các cấp, các ngành và nhất là các đại biểu HÐND bằng nhiều hình thức. Ngày 27/4/2022, TTHÐND tỉnh đã có QÐ số 06 ban hành quy trình giải quyết những vấn đề UBND tỉnh xin ý kiến và các quy trình giám sát chuyên đề của HÐND, TTHÐND, các Ban của HĐND tỉnh. Ngay sau khi Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH ngày 12/9/2022 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn hoạt động giám sát được ban hành, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức Hội nghị trao đổi kinh nghiệm với chủ đề "Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động giám sát theo tinh thần Nghị quyết số 594/NQ-UBTVOH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội" để trao đổi, thảo luận các vấn đề mới, mang tính định hướng nhằm nâng cao vai trò chỉ đạo, hướng dẫn của Thường trực HÐND các cấp; thường xuyên tổ chức các hội nghị trao đổi kinh nghiệm với TT các huyện, thành phố để chia sẻ những nội dung mang tính chuyên môn, mang tính riêng biệt trong quá trình thực thi nhiệm vụ tạo thuận lợi cho hoạt động giám sát của HÐND các cấp trên địa bàn tỉnh có hiệu quả hơn. Đổi mới trong phương pháp, cách làm khi tổ chức hoạt động giám sát như tổ chức khảo sát thực tế, nghiên cứu kỹ hồ sơ báo cáo trước khi làm việc với đơn vị chịu sự giám sát, giám sát bằng hình ảnh..

Đến tổ chức thực hiện: Với nhiều kết quả được thể hiện trong báo cáo.

Hoạt động giám sát của HĐND: Được thực hiện một cách nhuần nhuyễn, bài bản. Từ lựa chọn nội dung, xây dựng, ban hành nghị quyết về giám sát của HĐND tại kỳ họp thường lệ giữa năm của năm trước, đến xây dựng kế hoạch thực hiện, thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của HÐND, tổ chức giám sát chuyên đề, ban hành Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề; phân công theo dõi, khi cần thiết đề xuất tái giám sát. (trong 7 năm qua đã thực hiện 599 cuộc giám sát chuyên đề (HĐND tỉnh 11 cuộc; HÐND cấp huyện 52 cuộc; HĐND cấp xã 536 cuộc).

Tại các kỳ họp, Hội đồng nhân dân các cấp đã thực hiện xem xét các báo cáo của các cơ quan, đơn vị theo quy định của Luật. Không khí thảo luận tại các kỳ họp sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm và mang tính xây dựng, nội dung ý kiến đa dạng, sâu sắc và bao quát mọi lĩnh vực; phản ánh nhiều vấn đề, nội dung được cử tri và Nhân dân quan tâm. Hoạt động chất vấn tại kỳ họp được HÐND các cấp quan tâm thực hiện hiệu quả.

Từ năm 2016 đến nay, Hội đồng nhân dân các cấp đã có 6.631 câu hỏi chất vấn đối với UBND và các ngành chức năng có liên quan (trong đó cấp tỉnh 549 câu hỏi, cấp huyện 869 câu hỏi, cấp xã 5.213 câu hỏi); việc xem xét, thông qua và ban hành Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề, báo cáo trước kỳ họp về kết quả giám sát bằng hình ảnh cũng đã được quan tâm thực hiện giúp cho hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát được nâng lên.

Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do HÐND bầu được tổ chức thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Nhiệm kỳ 2016 - 2021, HÐND các cấp đã lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức danh do HÐND bầu theo quy định tại Nghị quyết số 85 ngày 26/11/2014 của Quốc hội K14 và hiện nay đang triển khai các bước theo quy định tại NQ số 96 ngày 23/6/2023 của UBTVQHK15.

Hoạt động giám sát của TTHÐND: Được chỉ đạo cụ thể, rõ ràng. Những nội dung giám sát đều dựa trên cơ sở Nghị quyết giám sát của HÐND, giám sát thường xuyên là nội dung được Thường trực quan tâm chỉ đạo và thực hiện khá hiệu quả. Việc xây dựng Chương trình giám sát, ban hành kế hoạch giám sát, thành lập Đoàn giám sát chuyên đề, đến tổ chức giám sát, thông qua báo cáo của đoàn giám sát, ban hành Kết luận về Kết quả giám sát của TTHÐND được tổ chức thực hiện chặt chẽ, đúng quy trình. (trong 7 năm qua, TTHÐND các cấp thực hiện 1.675 cuộc giám sát chuyên đề trong đó: Thường trực HĐND tỉnh đã triển khai 16 cuộc, Thường trực HĐND cấp huyện triển khai 184 cuộc, Thường trụrc HĐND cấp xã triển khai 1.475 cuộc. Tổ chức 517 phiên giải trình, chất vấn (cấp tỉnh: 15; cấp huyện: 63; cấp xã: 436).

Hoạt động giám sát của các Ban HÐND: Được Thường trực chỉ đạo, các Ban triển khai bài bản, đúng quy trình, quy định. Vai trò của các Ban trong hoạt động giám sát được khẳng định. (7 năm qua, các Ban của Hội đồng nhân dân đã tổ chức 1.996 cuộc giám sát chuyên đề, trong đó: cấp tỉnh l6; cấp huyện 137; cấp xã 1.843).

Bên cạnh chủ thể giám sát thì các đơn vị chịu sự giám sát cũng đã nghiêm túc thực hiện các nội dung theo yêu cầu của chủ thể giám sát, kịp thời cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ công tác giám sát, chấp hành nghiêm túc và có các giải pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại mà các Kết luận giám sát đã chỉ ra. Về cơ bản đã từng bước khắc phục tư tưởng không muốn để HÐND giám sát đối với lĩnh vực chuyên môn do ngành hoặc địa phương quản lý, thậm chí còn đề xuất với HÐND giám sát để giúp cho công tác quản lý được tốt hơn.

Có thể khẳng định hoạt động giám sát của HÐND, TTHÐND, Các Ban của HÐND được thực hiện trong nhiệm kỳ này bài bản, nhuần nhuyễn với nhiều cách làm mới sáng tạo đem lại hiệu quả rất thiết thực. Qua đó tiếp tục khẳng định vai trò cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương; góp phần quan trọng vào việc thực thi Hiến pháp và pháp luật, thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Qua sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp, chúng ta tin vui mừng khi tỉnh, các huyện, các xã, phường, thị trấn đều đảm bảo lộ trình thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu mà Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra; tăng trưởng, quy mô kinh tế của tỉnh đều nằm trong tốp đầu của cả nước; an sinh xã hội được bảo đảm; văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ..Đóng góp vào thành tựu chung đó có sự tham gia chủ động, tích cực của HĐND các cấp.

Thưa toàn thể các vị đại biểu!

Nhìn lại thực tế 7 năm thi hành Luật, bên cạnh những kết quả đạt được, cũng còn bộc lộ những hạn chế, bất cập như báo cáo đã nêu (tôi không nhắc lại). Chúng ta thấy rõ sự lúng túng trong triển khai thực hiện ở giai đoạn đầu thực hiện Luật (trên phạm vi toàn quốc), mỗi địa phương làm một cách khác nhau, mạnh ai người ấy làm Ví dụ: đầu năm 2023 khi TTHÐ tỉnh đi học tập kinh nghiệm tại một số tỉnh,…

Tại tỉnh cũng có những trường hợp tương tự mà thực tế qua các hội nghị trao đổi kinh nghiệm TTHÐND tỉnh cũng đã đưa ra những nhận định như: Nhiều nơi còn chưa thực hiện được hết các nội dung theo quy định; nhiều đơn vị còn thực hiện theo lối mòn, chưa bám sát các quy định của Luật...Trong hoạt động giám sát thì giám sát thường xuyên còn là khâu yếu, chưa được quan tâm., giám sát của đại biểu còn rất hạn chế.

Đối với các đơn vị chịu sự giám sát cũng còn những hạn chế như: Có đơn vị, địa phương chưa thực hiện đúng, đầy đủ các quy định liên quan đến trách nhiệm của đơn vị chịu sự giám sát nên trong quá trình thực hiện chưa chấp hành nghiêm túc quy định cũng như yêu cầu của Đoàn giám sát.

Quá trình thực hiện cũng còn một số nội dung theo quy định chưa thực sự đầy đủ, qua đây TT.HÐND tỉnh sẽ tổng hợp đầy đủ để đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.

Để tiếp tục thực hiện tốt hơn hoạt động giám sát của HĐND các cấp theo quy định, thời gian tới tôi đề nghị chính quyền, các sở, ban, ngành tỉnh, huyện cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:

Đối với HÐND tỉnh, huyện:

Thứ nhất, Bám sát chủ trương, định hướng lãnh đạo của cấp ủy, đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy Đảng đối với hoạt động của HÐND nói chung, hoạt động giám sát nói riêng. Trên cơ sở quy định của Luật TCCQĐP và Luật hoạt động giám sát xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động, đặc biệt là lựa chọn nội dung để xây dựng và ban hành NQ về Chương trình giám sát hằng năm cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn của từng địa phương, đơn vị; phân công, giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện đảm bảo đúng, trúng, hoàn thành nội dung theo chương trình đề ra.

Thứ hai, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp nhất là hoạt động giám sát, tập trung vào một số việc cụ thể như:

- Đổi mới, nâng cao chất lượng việc tổ chức các Kỳ họp, ngoài kỳ họp thường lệ tăng cường kỳ họp chuyên đề để giải quyêt kịp thời những công việc phát sinh, yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

- Tổ chức thực hiện có hiệu quả hoạt động giám sát, trong đó trú trọng công tác giám sát thường xuyên, giám sát chuyên đề. Thực hiện tốt phương châm: Giám sát thường xuyên phải toàn diện, giám sát chuyên đề phải có trọng tâm, trọng điểm.

- Đổi mới công tác tiếp xúc cử tri, tăng cường TXCT theo chuyên đề để lắng nghe, thu thập và tiếp thu được nhiều ý kiến từ chính các cử tri- những người chịu sự tác động trực tiếp hoặc thụ hưởng từ các chính sách đặc thù mà nghị quyết của HÐND sẽ ban hành, đảm bảo các Nghị quyết ban hành thực sự đi vào cuộc sống. Bên cạnh, đó cần trú trọng thực hiện tốt hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri để đảm bảo các kiến nghị của cử tri được giải quyết một cách căn bản, thấu đáo đồng thời nâng cao tinh thần, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực được giao.

- Nâng cao chất lượng hoạt động của các Ban, các tổ đại biểu và đại biểu HÐND: Hoạt động của các Ban phải thực sự chuyên nghiệp, là cánh tay đắc lực của HÐND, TTHÐND trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ thuộc lĩnh vực phân công. Báo cáo thẩm tra của các ban phải khẳng định được sự cần thiết, căn cứ pháp lý, thẩm quyền của HÐND; phải là nguồn cung cấp thông tin cho đại biểu trong quá trình thảo luận, quyết nghị đảm bảo tính khả thi, tính thực tiễn của Nghị quyết được ban hành.

Hoạt động của Tổ đại biểu và đại biểu cần được trú trọng hơn, phát huy vai trò, vị trí công tác của từng đại biểu để tham gia giám sát hoạt động của các cơ quan quản lý và việc thực hiện Nghị quyết của HÐND đã ban hành.

- Quan tâm công tác cán bộ: Đại biểu HĐND; Bộ máy tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của HĐND

- Đảm bảo các điều kiện cho hoạt động của HÐND mà trọng tâm là hoạt động giám sát (lưu ý: Cơ sở vật chất, phòng làm việc, phương tiện đảm bảo đặc biệt là bố trí lãnh đạo, chuyên viên văn phòng HĐND, UBND huyện, thành phố làm công tác tham mưu, giúp việc và phục vụ hoạt động của HĐND, tránh coi trọng hoạt động của UBND mà bỏ qua hoặc không bố trí cán bộ để thực hiện nhiệm vụ của HĐND).

Thứ ba, đối với các cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát (đối tượng giám sát): Đề nghị UBND các cấp, các sở, phòng, ngành chuyên môn của UBND, các đơn vị có liên quan đến hoạt động giám sát thực hiện nghiêm, chấp hành đầy đủ các nội dung liên quan đến trách nhiệm và quyền của cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát bảo đảm hoạt động giám sát của HÐND theo quy định tại Chương IV Luật hoạt động giám;  Phối hợp chặt chẽ với HÐND, TTHĐND, các Ban của HĐND trong quá trình thực hiện nhiệm vụ để hoạt động giám sát của HÐND thực sự là công cụ giúp cho việc thực thi đúng, đầy đủ trách nhiệm và quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật.

Thưa toàn thể các đại biểu dự hội nghị!

Tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết công tác HÐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2022 do Ủy ban Thường vụ Quộc hội tổ chức tại tỉnh Quảng Ninh, đồng chí Chủ tịch Quộc hội - Vương Đình Huệ đã nhận định có một "làn gió tươi mới" trong hoạt động của cơ quan dân cử các cấp. Chúng ta cũng thống nhất nhận thức việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử nói chung và HĐND địa phương nói riêng là thể hiện “ý Đảng, lòng Dân". Đã có rất nhiều cách làm hiệu quả, kinh nghiệm hay, bài học quý trong hoạt động của HÐND thời gian qua, hoạt động của HĐND bám sát yêu cầu thực tiễn hơn, thiết thực hơn, trách nhiệm hơn. Trong đó, hoạt động giám sát đã góp phần quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong cơ chế, chính sách và quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, được cử tri và Nhân dân đồng tình, ủng hộ, quan tâm, đánh giá cao, góp phần nâng cao vai trò, uy tín, chất lượng và hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử tại địa phương.

 Thường trực HÐND tỉnh tin tưởng sau Hội nghị tổng kết ngày hôm nay, những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động giám sát sẽ dần được khắc phục; tính đồng bộ, thống nhất trong tổ chức hoạt động giám sát sẽ được cụ thể hóa trong chương trình giám sát của HĐND, TTHÐND, các ban của HÐND từng cấp; tinh thần, trách nhiệm, sự phối hợp giữa chủ thể giám sát và đơn vị chịu sự giám sát ngày càng chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn cùng hướng tới mục tiêu vì sự phát triển chung của tỉnh nhà.

Thưa toàn thể các đồng chí!

Hội nghị tổng kết việc thi hành Luật Hoạt động gjám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Thay mặt Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh,  tôi trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; Thường trực HÐND, lãnh đạo UBND, lãnh đạo các Ban của HÐND các huyện, thành phố, cùng toàn thế các vị đại biểu đã về dự hội nghị. Cảm ơn Văn phòng Đoàn ĐBQH&HÐND tỉnh, các cơ quan liên quan đã chuẩn bị chu đáo công tác tổ chức hội nghį; cảm ơn các cơ quan thông tin, truyền thông đã tới dự và đưa tin về hội nghị.

Xin chúc các đồng chí, các quý vị đại biểu sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Xin trân trọng cảm ơn!

 

アクセス中: 16,698
1日当たりのページのアクセス回数: 1,171
1週間当たりののページのアクセス回数: 9,788
1か月当たりのページのアクセス回数: 48,064
1年間当たりのページのアクセス回数: 226,678
ページのアクセス回数 : 659,067